Trẻ mẫu giáo phải đóng quỹ hỗ trợ cơ sở vật chất, học thêm bị
cấm nhưng nhiều trường vẫn thu, và hàng loạt khoản thu núp bóng "quỹ"
đang khiến phụ huynh bức xúc.
>> Nhiều ngành ĐH rộng cửa chờ thí sinh
>> Quá tải không chỉ vì chương trình
Có
con 3 tuổi bắt đầu đi học ở trường Mầm non Bạch Hạc (Việt Trì, Phú
Thọ), sau buổi họp phụ huynh đầu năm, chị Thanh bất ngờ với quá nhiều
khoản thu. "Trường công lập mà có khoản hỗ trợ cơ sở vật chất mấy trăm
nghìn, rồi tiền quỹ tin học 150.000 đồng mỗi năm. Các cháu còn bé không
biết quỹ tin học được dùng vào việc gì", chị Thanh nói.
Nhiều phụ
huynh có con học lớp 12 THPT Đoan Hùng (Đoan Hùng, Phú Thọ) cũng bức xúc
với các khoản thu không rõ ràng. Theo chị Nguyễn Hoa, ngoài khoản cố
định như học phí, bảo hiểm, quỹ hội phụ huynh... thì có nhiều khoản chưa
hợp lý và không có kê khai, giải thích cụ thể.
Chị Hoa dẫn
chứng, ngoài tiền điện 70.000 đồng một học sinh mỗi năm, các em còn phải
đóng tiền nâng cấp dây điện 40.000 đồng. Mỗi lớp 50 học sinh thì tổng
số tiền 2 triệu đồng đủ để thay cả hệ thống điện của phòng học chứ không
chỉ nâng cấp. Ngoài ra, bên cạnh tiền vệ sinh, mỗi em còn phải đóng
thêm khoản xanh - sạch - đẹp 120.000 đồng, tiền lao động 250.000 đồng.
"Tôi
không biết nhà trường yêu cầu học sinh lao động những gì mà nộp tiền
nhiều đến vậy. Nếu được lựa chọn tôi cho con đi lao động thay vì nộp
tiền", chị Hoa nói.Ở Hà Nội, nhiều phụ huynh cũng không khỏi thắc mắc
với khoản đóng góp đầu năm học. Chị Huyền (Thường Tín) cho biết có em
gái đang học ở THPT Nguyễn Trãi, khi nhìn thấy khoản thu trường liệt kê,
chị choáng váng bởi khoản học thêm được ghi rõ ràng 2.160.000 một năm
dù học thêm đã bị cấm. Ngoài ra, còn có 95.000 đồng tiền hoạt động phong
trào và 1.500.000 đồng tiền đồng phục.
"Tổng số thu lên tới vài
triệu đồng, nếu nhà nào có 2-3 người con thì không biết tính sao vì kinh
tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng", chị Huyền than.
Một
nhóm phụ huynh trường tiểu học Tam Hiệp (xã Tam hiệp, Thanh trì) bức
xúc việc nhà trường không cho cầm giấy về mà nhắn phụ huynh mang theo
tiền đóng luôn hôm đi họp phụ huynh.
"Có những khoản hội phụ
huynh thu hộ nhà trường nhưng không có giấy tờ gì mà chỉ yêu cầu chúng
tôi ký vào giấy là tự nguyện. Nước ta đã phổ cập giáo dục tiểu học mà
sao phải đóng góp nặng như thế", phụ huynh tên Lan thắc mắc.
Trao đổi với VnExpress,
bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu phó trường Tiểu học Tam Hiệp cho biết,
trường chỉ thu các khoản do Bộ GD&ĐT quy định và mua hộ học sinh một
số đồ dùng như đồng phục, ghế nhựa... Những khoản khác phụ huynh đều
tham gia bàn bạc, nhất trí mới tiến hành thu.
"Chúng tôi làm việc
theo quy trình chặt chẽ. Đầu tiên nhà trường sẽ họp với ban đại diện hội
cha mẹ học sinh và thống nhất từng khoản thu. Các vị đại diện này sẽ
đưa nội dung về từng lớp để thông báo và bàn bạc. Sau khi thống nhất mới
ký vào giấy tự nguyện nộp tiền", bà Dung nói.
Hiệu phó Dung cho
hay, trong quá trình bàn bạc, phụ huynh có thể chép tay các khoản thu
mang về và nhà trường cũng không nhận được yêu cầu nào về việc cầm danh
sách khoản thu về thảo luận với gia đình.
Hiệu trưởng THPT Nguyễn
Trãi, bà Nguyễn Thị Hà Thanh thừa nhận, trường có thu tiền học thêm
nhưng là tự nguyện, ai đăng ký học mới thu với mức 4.000 đồng một tiết
học thường và 5.000 đồng một tiết học nâng cao. Khoản thu "hoạt động
phong trào" là để hỗ trợ các hoạt động văn nghệ của Đoàn trường nhân
ngày lễ.
"Đồng phục thì mỗi học sinh có ba bộ mùa hè, mùa đông và
thể thao, mỗi bộ khoảng 200.000 đồng. Nếu phụ huynh phải trả tới 1,5
triệu là do họ mua nhiều bộ chứ không phải nhà trường ép buộc", bà Thanh
nói và khẳng định, trường chỉ thu học phí, còn các khoản khác là do hội
cha mẹ học sinh thu.
Hoàng Thùy
-----------------------------------------------
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có công văn gửi UBND các
tỉnh thành phố đề nghị thanh, kiểm tra khoản thu, chi trong các cơ sở
giáo dục trên địa bàn. Thứ trưởng nhắc nhở, theo luật giáo dục thì học
sinh chỉ phải đóng học phí mà không phải đóng thêm các khoản khác.
Nhà
trường và phụ huynh cần thống nhất chủ trương, số tiền đối với những
khoản thu để mua sắm trang thiết bị phục vụ trực tiếp việc học tập, sinh
hoạt của học sinh. Phụ huynh tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ
chức thực hiện. Quỹ hội phụ huynh tuyệt đối không sử dụng để hỗ trợ các
hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên
nhà trường.
Để thực hiện xã hội hóa giáo dục, các cơ sở giáo dục
được phép khuyến khích đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân
nhưng việc quản lý, sử dụng khoản tiền này cần thông báo dự toán sử
dụng, công khai quyết toán. Các trường không được tùy tiện lập quỹ để ép
buộc học sinh dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.